Monday, September 13, 2010

Nhà cũ. Cố hương. Hoài niệm.



Con chim ở đậu cành tre

Con cá ở trọ trong khe nước nguồn

Tôi nay ở trọ trần gian

Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời 

Trăm năm ở đậu ngàn năm

Đêm tối ở trọ chung quanh nỗi buồn

Ơ hay là một vòng xinh

Tôi như người bỗng lênh đênh giữa đời


<Ở trọ - Trịnh Công Sơn>




Tôi sinh ra ở một thị xã nhỏ của tỉnh Quảng Ninh, tuổi thơ mười tám năm liền gắn với bụi than mờ mờ mịt mịt. Thị xã bé tí bé teo, xấu quắc, ít dân, buồn hắt buồn hiu, chỉ có duy nhất một con đường quốc lộ độc đạo chạy xuyên qua, cắt thị xã thành hai nửa không đều, một bên là núi, một bên là biển, khập khà khập khiễng. Nói vui, là thị xã bốn chữ "bờ": bé - bụi - bẩn - buồn. Tuy thế, tôi chưa từng nghĩ tới chuyện về sau sẽ rời khỏi cái thị xã "4 chữ B" đó. Tôi cứ tưởng mình sẽ ăn đời ở kiếp với nó kia. Thế nhưng cái số của tôi chắc là phải sống xa quê hương, từ nhỏ mỗi lần mẹ dẫn đi xem bói người ta đều phán vậy, mà thực tế cũng chứng minh như vậy.




Học xong cấp ba, trượt đại học, tôi thi vào một trường Cao đẳng cách nhà 100km, bắt đầu hành trình tha hương của mình. Hết ba năm Cao đẳng, bố về hưu, cả một đời cống hiến không xin nổi cho con gái một chân vào mỏ làm. Không một ai biết bố tôi lại có thể tin được chuyện đó. Ai cũng cho rằng chắc tại bố tôi không thích tôi làm mỏ, chứ bố tôi sao lại không xin nổi việc cho tôi. Nhưng sự thực là như thế.Học xong cấp ba, trượt đại học, tôi thi vào một trường Cao đẳng cách nhà 100km, bắt đầu hành trình tha hương của mình. Hết ba năm Cao đẳng, bố về hưu, cả một đời cống hiến không xin nổi cho con gái một chân vào mỏ làm. Không một ai biết bố tôi lại có thể tin được chuyện đó. Ai cũng cho rằng chắc tại bố tôi không thích tôi làm mỏ, chứ bố tôi sao lại không xin nổi việc cho tôi. Nhưng sự thực là như thế.




Sau này mẹ kể lại, tay giám đốc suốt hai năm thân thiết tưởng chừng hơn cả anh em của bố đến tận nhà tôi gửi trả lại tiền. À, nói đến tiền thì là như này, ở nhà tôi có cái luật bất thành văn - không tiền không xin được việc, trừ phi là công nhân khai thác chui lò thì không phải tiền nong, còn những vị trí phòng ban không có tiền là không ổn. Tất nhiên anh em với nhau, sao dám lấy tiền của bố tôi. Nhưng nếu nhận tôi vào, ông ta đương không sẽ mất một khoản tiền tương đối lớn (nghe nói, để xin vào làm công nhân cơ điện đã tốn những 70 triệu rồi, vào khối phòng ban chắc tiền to hơn nhiều). Vậy là ông ta chọn giải pháp không nhận tiền của nhà tôi, nhưng cũng không nhận tôi. Còn bảo bố tôi, anh ạ, anh nên hiểu, đời cua cua máy đời cáy cáy mò...




Tay giám đốc nọ đề nghị nhận tôi xuống khai trường làm, nhưng bố không đồng ý, sợ tôi vất vả, rồi thì trong cái chế độ rặt nhà nước này, không còn ai đỡ lưng, ông sợ tôi không chống chọi nổi. Bố tôi thương tôi, bố tôi không đành lòng. Sau chuyện ấy, ông buồn rất lâu. Mẹ bảo, đấy là thất bại của cuộc đời bố. Ở cái xã hội này, chẳng tin được ai con ạ, chẳng có gì thắng nổi một chữ "tiền". Những tổn thương của tuổi trẻ thường ồn ào và nhanh hết, còn những tổn thương của một người đàn ông đã ở tuổi xế chiều, tôi không cách nào hình dung ra. Nhưng sẽ không bao giờ tôi quên được dáng ngồi trầm ngâm của bố tôi những ngày ấy, và đôi mắt chỉ toàn cay đắng lẫn bất lực của ông.




Thế rồi một người bạn học từ ngày xưa của bố khuyên cho tôi lên Hà Nội, đất rộng người đông, thếu gì việc làm. Bố đắn đo suy nghĩ rất lâu rồi bảo để tôi tự quyết định. Tính tôi ưa đi xa, lại mới chia tay người yêu, nên đồng ý luôn. Đó là khoảng cuối 2006, vừa ra trường về nhà được hơn tháng, lại khăn gói tiếp tục ra đi. Và tôi khi đó vẫn không biết rằng lần ra đi ấy lại trở thành chuyến hành trình dài đến như thế.




Giờ, tôi coi như đã thành người Hà Nội - hộ khẩu Hà Nội, xe máy biển Hà Nội, việc làm ở Hà Nội, có một căn nhà ở Hà Nội (tuy bé tẹo và nằm tít trong hóc bà tó kiếm mãi không ra). Và kể ra thì, tôi cũng rất yêu nơi này. Nhưng đây vẫn không phải nhà của tôi. Thành phố mới chạm vào tôi một cách hững hờ và xa lạ. Tôi đi trong nó như kẻ mộng du, không sao xóa bỏ được ý nghĩ rằng mình chỉ là khách trọ. Tôi vẫn nhớ nhung cái thị xã buồn buồn bụi mù cách tôi ngót nghét 200 cây số, nhớ ngôi nhà rộng rãi mà tuềnh toàng ba mẹ tích cóp cả đời mới xây nên. Tôi nhớ cả căn phòng màu xanh dương do chính tôi chọn và pha sơn trên tầng áp mái mới chỉ kịp ở chưa đầy một tháng đã chẳng còn dịp ở thêm nữa (vì nay đã bị biến thành phòng dạy học của mẹ ;__;). Tôi nhớ cả cái cầu thang không-tay-vịn mà tôi đã hùng hồn thuyết phục bố mẹ rằng chẳng cần thiết phải làm tay vịn đâu bởi lý do abc nọ kia dù thực chất vì tôi không muốn bố mẹ tốn thêm một khoản tiền. Tôi nhớ cả cái nhà tắm sạch ơi là sạch ngày ngày mẹ đánh rửa. Tôi nhớ cả khoảng sân rửa phía sau, thoáng đãng và luôn lộng gió, mỗi lần ngẩng mặt lên sẽ thấy đủ loại cây cảnh mẹ trồng đang rủ bóng. Và rồi tôi nhận ra, tôi đã bắt đầu nhớ về nó như một hoài niệm.




"Hoài niệm", tôi ghét từ này, khi vang lên luôn khiến tôi chạnh lòng. Tôi hình dung đến lúc căn nhà dần trở nên vắng lặng, trên từng đồ vật bụi thời gian đóng dày, chập choạng những bóng hình xưa cũ, như một cơn mơ.




Lúc mới ra đi, tôi nghĩ mình sẽ thường xuyên về thăm nhà. Nhưng rồi những chuyến về thăm nhà cứ thưa dần, vì nhiều lý do, chủ quan có, khách quan có. Rất nhanh thôi, sẽ đến một ngày, không thể khác được, những sợi dây cuối cùng nối giữ tôi với nơi ấy cũng bung đứt hẳn, tôi sẽ chẳng còn cớ để quay về, trở thành một cái cây không có gốc, lơ ngơ phiêu dạt giữa đời. Thực ra với một kẻ như tôi, đó cũng không phải điều gì ghê gớm chí tử lắm. Chỉ là, tôi hi vọng mình sẽ không nhìn về vùng đất than ấy như một bến đỗ tạm. Chỉ hi vọng sẽ không quên nỗi buồn này.




-Viết lan man nhân dịp 2/9 đầu tiên không về nhà-


02/09/2010





.JJ.

No comments:

Post a Comment