Wednesday, August 22, 2012

Đời này, nên là kiếp cuối cùng


.via vnphoto.



Tựa đề của entry lần này là một câu tình cờ đọc được nhân lúc lang thang trên tumblr. Đó cũng là suy nghĩ trước giờ của tôi. Xưa từng nghe, mỗi con người đều có nhiều lần chuyển kiếp, lúc không may thì đầu thai thành heo gà bò chó cây cỏ gì đó, may mắn lắm, còn gọi là có tu hành tích đức, có cơ duyên, thì mới được sinh ra trong hình dạng con người. Nhưng riêng tôi, chỉ kiếp này đã là quá dài, quá đủ. Làm người mới thật nhiều làm sao những mệt mỏi, toan tính, trách nhiệm, khổ đau, tổn thương, dằn vặt. Dù đã từng được nếm trải niềm vui, dù vẫn biết mỗi ngày trước mắt là bấy nhiêu cơ hội nhận thêm nhiều hân hoan hạnh phúc, nhưng trên cái bàn ăn số phận không hề có thực đơn này, tôi sẽ phải gắp bao nhiêu miếng buồn để tìm thấy một miếng vui? Và bao nhiêu miếng vui mới đủ sức níu chân hay mời gọi tôi tham gia vào bữa tiệc kế tiếp? Giống như trong cuộc đỏ đen, người lạc quan sẽ nghĩ, "hãy chia bài làm lại, biết đâu ván sau sẽ khá hơn". Còn tôi - kẻ luôn thiếu tin tưởng - tôi không tin mình sẽ "được", và ngay cả khi đã may mắn thắng tôi cũng không tin rằng sự "được" ấy bù đắp nổi tất cả những mất mát đã có. Vậy là, thay vì đánh cược tìm sự may rủi, tôi thường lựa chọn cách không tham gia.



Tôi từng nói với mẹ, điều duy nhất trên cuộc đời này thực sự còn ý nghĩa đối với con, chính là ba và mẹ. Chỉ cần là hai người ấy, thì dù có bị cả ngàn người tình bỏ rơi, dù gắp phải hàng trăm miếng buồn, tôi cũng sẽ tiếp tục ở lại với bữa tiệc này cho đến thời khắc cuối cùng. Nhưng chỉ thế, bữa tiệc tiếp theo, làm ơn đừng gửi tôi giấy mời.  


Và nếu thực còn kiếp sau, mong được sinh ra là loài chó, sau khi có một người chủ nhân bất kể tốt xấu đều dốc lòng thương yêu bảo vệ không chút đòi hỏi vụ lợi, như thế chẳng hạnh phúc lắm sao?    




.




Tháng Tám mùa thu, nghe nhạc Trịnh với những cảm xúc khó gọi tên.


Ôi tóc em dài đêm thần thoại
Vùng tương lai chợt xa xôi
Tuổi xuân ơi sao lạnh dòng máu trong người


Nghe xót xa hằn lên tuổi trời
Trẻ thơ ơi trẻ thơ ơi
Tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người




.JJ.

Tuesday, August 21, 2012

She will be loved




Tôi đã từng yêu nàng như thế. Nhưng giờ đây, nàng chỉ còn là cuốn tiểu thuyết tôi đang đọc dở, thi thoảng tôi sẽ ôn lại vài chương cũ, mỉm cười vì những hồi ức đẹp đọng trên từng trang giấy, không hề phủ nhận chúng đã từng cuốn hút tôi đến vậy. Thi thoảng tôi cũng sẽ cảm thấy tò mò về những chương vẫn còn trong giai đoạn sáng tác, băn khoăn đôi chút về diễn biến mới của câu chuyện. Chỉ vậy. Đơn thuần chỉ là nỗi háo hức của đám độc giả vô tâm trước một thiên tiểu thuyết ly kỳ nhiều đau đớn. Sự đồng cảm của tôi thương xót của tôi nước mắt của tôi lo lắng của tôi âu yếm của tôi dành cho nhân vật chính, là nàng, tất thảy đều đã cạn đến giọt cuối cùng mất rồi.  Nếu biết điều này, liệu nàng có chút muộn phiền?



Nhưng dù sao, tôi vẫn luôn mong nàng hạnh phúc, nàng-đã-từng-của-tôi.





.JJ.

Monday, August 20, 2012

Hãy cứ yêu đời dù đời lắm khi thật nhếch nhác tả tơi





Tối qua ngồi xem lại Eat Pray Love chiếu trên HBO. Đó là bộ phim tôi khá thích cho đến 2/3, tức là Eat và Pray, còn đến phần Love thì lại hơi chán, vì diễn tiến quá nhanh so với hai phần đầu thành ra hơi bất hợp lý, motif cũ và anh diễn viên nam thì không đúng gout của tôi ha ha ~ Trong phim có nhiều đoạn hội thoại hay, một trong số đó là câu nói của ông thầy mo già người Bali, "cô hãy ngồi thiền và mỉm cười, bằng gương mặt, bằng trí óc, bằng cả tâm hồn".  


Thỉnh thoảng, vào buổi sáng, sau khi trang điểm tỉ mỉ, mặc lên người bộ váy áo tinh tươm thẳng thớm còn thơm mùi nước xả vải chuẩn bị đến chỗ làm, tôi tự nhủ với bản thân, cười lên, hôm nay là một ngày mới. Vậy là tôi ra khỏi nhà với một nụ cười. Tôi ra khỏi nhà với cái dây cót được vặn cẩn thận. Như thế hẳn tốt hơn so với việc để câu nói thường trực "chán ơi là chán!" trôi ra khỏi miệng một cách vô thức. Như thế nắng sẽ bớt đi sự gắt gỏng, con đường dường như ngắn hơn, khói bụi đèn đỏ công an giao thông kẹt xe tất tật đều bị đẩy ra xa khỏi tôi chút ít. Life is good, very good. Tiếc là, tôi lại thường hay quên vặn dây cót cho mình. Có lẽ tôi nên viết ra và dán lên gương chăng?


Hồi xưa, cái hồi thực ra cũng chưa xưa lắm mà hẳn ai cũng đã từng trải qua - tôi thích gọi là "thời tuổi trẻ hoang mang" - tôi hay nghĩ nhiều đến cái chết. Lúc đó, tôi đã từng thực lòng muốn chết. Thậm chí đến bây giờ, tôi vẫn nghĩ rất nhiều về cái chết, vì đời sống vẫn cứ buồn bã mãi như vậy, tôi vẫn cứ dật dờ không đích đến mãi như vậy, nhưng giờ đây ham muốn được chết của tôi đã thoái hóa thành "biến mất". Đại để là, tôi sẽ đột nhiên tan vào không khí, khi đang đi trên đường, hay ăn một cốc kem, hoặc đang hôn một ai đó. Sẽ không ai nhận ra rằng tôi đã biến mất. Cũng không ai còn nhớ về tôi. Ba mẹ tôi sẽ chẳng thấy muộn phiền. Tôi chỉ là một kẻ chưa từng tồn tại, vào giờ phút ra đi sẽ hơi tiếc nuối vì chưa kịp hét lên, tạm biệt thế giới ôn dịch này. Chỉ vậy.


Mà nghĩ chơi thế thôi, vừa đọc trên facebook của một người bạn cấp 3, cậu ấy bảo, chết thì rất phí, sống thì rất buồn, tôi thấy đúng lắm. Sống thì quả là chẳng có gì vui hết, cứ phải ngày ngày tự lên dây cót cho chính mình, nhưng chết đi, hoặc là biến mất ấy, thì phí quá. Còn bao nhiêu thứ tôi muốn ăn muốn học muốn làm. Còn bao nhiêu nơi tôi chưa kịp đi. Hay đơn giản như hôm trước ngồi cafe hút một điếu thuốc - lâu lắm rồi tôi không hút thuốc, nói cho cùng tôi cũng không phải dạng nghiện ngập gì, hút cho vui vậy thôi, nhưng bữa đó tự nhiên thấy cái thể loại Vinataba khét mù ấy ngon thế. Ngon một cách thật lòng. Cho nên, chết thì phí quá. Chúng ta hãy sống vì thuốc lá Vinataba vậy.





- Viết nhảm sáng 21/08/2012 -

..JJ.







Tuesday, August 7, 2012

Vị của một tách cà phê





Tôi không thích cà phê miền Nam lắm. Đó là kiểu cà phê rất đặc trưng của xứ nóng, giống như trà chanh của miền Bắc mỗi độ hè về vậy, cà phê thì ít mà đá thì nhiều, đôi khi tôi còn đùa rằng đây là nước đá có vị cà phê. Bạn tôi dân Sài Gòn thứ thiệt, ra Hà Nội chơi đi cà phê bèn càu nhàu, sao ngoài này họ tiết kiệm đá dữ dội vậy, ha ha. Tôi lại càng không thích cà phê "Tây", bày bán trong những cửa hiệu sang trọng đẹp đẽ, với những cái tên đôi khi gây bối rối cho một số người kém ngoại ngữ, pha chế bằng nhiều kiểu cầu kỳ, béo ngậy thơm tho nhưng nhạt nhẽo.



Nói chung, một tách cà phê tôi muốn thưởng thức nhất, bất kể hạt cà phê được trồng ở vùng đất nào, do "nghệ nhân" nào rang xay chế biến, thì đều phải do một quán cà phê của miền Bắc pha chế. Cũng có thể vì ở đâu quen đấy, nhưng độ đặc sánh của cà phê sẽ tỉ lệ thuận với sự phấn khích của tôi. Tôi thích uống cà phê một cách chậm rãi, ngất ngây khi vị đắng ngọt của cà phê tan ra trên lưỡi, trên môi, và đọng lại với thật nhiều dư vị đậm đà lưu luyến. 



Một tách cà phê như thế, tốt nhất hãy uống ở một quán ven đường, với những chiếc bàn ghế tạm bợ sẵn sàng bị thu dọn sạch sẽ ngay khi thoáng thấy bóng dáng chiếc xe tải dẹp trật tự, còn khách hàng thì tán loạn chạy ra dong xe đi mất nếu không muốn đến nhận xe tại trụ sở công an phường. Tôi thực là rất thích những quán cà phê ấy. Chúng mộc mạc và giản dị và lại đủ thâm trầm. Đến đó, tôi có thể ngồi tựa lưng vào tường, thẫn thờ hàng tiếng chỉ để ngắm dòng xe trôi trên con đường trước mặt. Những lúc ấy, cuộc sống tựa như những thước phim quay chậm, và tôi đơn giản là một người đứng ngoài lề quan sát, chẳng có và cũng chẳng cần có mối liên hệ gì tới chúng.   



Đôi khi, tôi nghĩ về nụ hôn với một chàng trai vừa uống xong tách đen đá. Nó làm tôi nhớ đến câu hát của Utada Hikaru. Nụ hôn cuối có vị của một điếu thuốc. Đắng. Và buồn. Cậu ta không hút thuốc, nên nụ hôn cuối của chúng tôi chỉ có vị của cà phê đen. Tuy có chút khác biệt, nhưng tựu chung vẫn là vị đắng. 



Và cũng thật rất, rất buồn.






.JJ.